Xây dựng văn hóa chia sẻ

Như tôi đã nói trong một bài viết trước “Thành công của bất kỳ tổ chức nào phụ thuộc vào yếu tố cơ bản nhất này: sự chia sẻ giữa các thành viên. Những câu nói như “kiến thức là sức mạnh” hay “chia sẻ là quan tâm” đã nói lên điều đó. Chia sẻ dưới mọi hình thức sẽ dẫn đến việc tạo ra một nền tảng kiến thức mạnh hơn. Kiến thức được chia sẻ có thể được sử dụng và tái sử dụng để tạo ra thông tin mới và có giá trị”.

Những điều chúng ta chia sẻ trong công việc là kiến thức, kỹ năng, thông tin và nguồn lực. Nói gọn lại đó là chia sẻ năng lực. Bạn đừng nghĩ rằng mình phải đạt được trình độ như chuyên gia mới bắt đầu chia sẻ. Hãy chia sẻ bất kể những gì bạn có khả năng, chẳng hạn như hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng một phần mềm, kể cho họ bạn vừa học được điều gì mới qua một khoá học, một cuốn sách…

Bất kỳ ai cũng có điều gì đó để cho đi, có thể giúp ích cho người khác. Cũng không nên nghĩ đến những điều quá cao siêu to tát, hãy kể ra những việc bạn làm cho mọi người khiến bạn vui. Chẳng hạn khi chia sẻ kiến thức về quản lý linh hoạt, tôi nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ mọi người, có nhiều người nói với tôi rằng họ đã áp dụng những kiến thức đó vào công việc, vào đời sống khiến mọi thứ tốt lên và họ hạnh phúc hơn. Điều đó thực sự làm tôi cảm động.

Điều quan trọng là chúng ta nên chia sẻ với một tâm thế vô tư, đừng mong đợi sự đền đáp của người khác. Chỉ có như vậy chúng ta mới có được những mối quan hệ tốt đẹp, những thành công trong công việc cũng vì thế mà đến theo.

Robert B.Ciadini đã viết trong cuốn sách Influence: The Psychology of Persuation (Thuyết phục bằng tâm lý), một trong những nguyên tắc tâm lý của nghệ thuật thuyết phục là “sự đáp trả”. Nghĩa là theo bản năng, chúng ta bị thôi thúc phải đền đáp khi ai đó làm điều gì đó cho mình. Bởi vậy, bạn càng làm nhiều việc tốt, càng sẵn lòng cho đi thì những người nhận nó, dù không cố ý, nhưng tâm thức của họ có cảm giác “có ơn phải trả”/mình cần ủng hộ người này/doanh nghiệp này.

Yếu tố tâm lý này thường bị các doanh nghiệp lợi dụng như một “mánh” theo kiểu “Throw a sprat to catch a herring” hay tiếng Việt gọi là “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Đây không phải là sự chia sẻ bởi bản chất của chia sẻ là cho đi vô điều kiện và không mong được trả ơn.

Khi chia sẻ, điều mà bạn (dù không mong đợi) vẫn sẽ nhận được đó là lòng biết ơn, là sự tín nhiệm của đồng nghiệp, đối tác, bạn bè…và đây là tài sản vô giá sẽ giúp bạn phát triển công việc và sự nghiệp của mình.

Ai đó đã nói rằng: Sức mạnh có được bằng cách chia sẻ kiến ​​thức chứ không tích trữ nó. Nếu bạn có kiến ​​thức về một lĩnh vực nào đó hãy để người khác thắp ngọn nến của họ trong đó (Power is gained by sharing knowledge not hoarding it. If you have knowledge about something then let others light their candles in it.)

Làm ơn trích dẫn nguồn nếu bạn muốn chia sẻ.

#Rob_England #Cherry_Vu #Agile_Enterprise #Quan_ly_linh_hoat, #Doanh_nghiep_linh_hoat #Agile_managers, #các_nhà_quản_lý_linh_hoạt #agile_management, #Teal_Unicorn