Khi đề cập đến chủ đề này, tôi muốn lấy một ví dụ về vụ tai nạn hàng không thảm khốc, chuyến bay ABQ202 ngày 28/7/2010 từ Karachi đến Islamabad, làm chết tất cả 152 hành khách. Theo báo cáo chính thức từ cơ quan điều tra, cơ trưởng của chuyến bay này đã phớt lờ đề nghị của người điều khiển không lưu nhiều lần, ông ta nói với cơ phó: “Hãy để anh ta nói bất cứ điều gì anh ta muốn. ” Cơ trưởng đã giáng một cây gậy xuống cơ phó, làm cho cơ phó hiểu rằng mọi sự phản đối đều không có tác dụng. Và do đó, đến lúc cần thiết cơ phó đã không dám đưa ra chính kiến chống lại cơ trưởng một cách quyết liệt.
Vấn đề ở đây xuất phát từ văn hóa tôn trọng và tuân thủ cấp trên của người châu Á. Đây cũng là lý do vì sao vài thập kỷ trước các hãng hàng không châu Á có tỷ lệ tai nạn hàng không lớn hơn đáng kể so với các đối tác Mỹ và châu Âu. Các cơ phó thường không quyết liệt trong việc phản đối những lỗi sai của cơ trưởng ngay cả trong những tình huống sống còn.
“Vấn đề văn hóa” này đã được giải quyết trong những năm gần đây tại các hãng hàng không châu Á thông qua đào tạo. Nhưng vấn đề này vẫn đang lan tràn ở các doanh nghiệp nơi mà những người chủ thường xuyên đề cao ‘sự tuân thủ cấp trên’ và biến nó thành văn hóa bợ đỡ, sếp luôn đúng, tuyệt đối không phản đối hay chống lệnh sếp (ngay cả khi họ sai).
Đều đó dẫn đến, khi những người lãnh đạo kiểu này đưa ra những quyết định sai lầm (hầu hết mọi người đều có lúc ra quyết định tồi tệ) những “cơ phó” của họ hoặc “phi hành đoàn” không phản đối lại họ. Và khi nhận ra điều này, có thể là quá muộn và trò chơi kết thúc.
Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để tính chuyên nghiệp được đặt lên hàng đầu trong DN của bạn? Làm thế nào để những tiếng nói của người có chuyên môn được lắng nghe? Làm thế nào để mọi người cảm thấy an toàn khi nói ra chính kiến của mình, đặc biệt là khi cảnh báo những rủi ro hay nói về những thông tin xấu?
Và đây là những câu hỏi dành cho bạn!
Làm ơn trích dẫn nếu bạn muốn chia sẻ, xin cảm ơn!