Trong bài QUẢN LÝ LINH HOẠT trước tôi có nói một ý về nợ văn hoá. Bạn Hoa Dao và Sing Suri muốn biết rõ hơn thế nào là “nợ văn hoá”. Hy vọng bài viết dưới đây làm sáng tỏ hơn điều các bạn quan tâm.
Những doanh nghiệp thất bại, suy thoái hoặc không thể phát triển thường do những món nợ, không phải nợ tài chính như nhiều người thường nghĩ mà là NỢ VĂN HÓA và NỢ HỆ THỐNG. Vậy nợ văn hoá, nợ hệ thống là gì?
Trong một hệ thống tốt tỷ lệ công việc được hoàn thành (work rate) phải bền vững vô hạn. Chúng tôi đo lường sự bền vững trong hai lĩnh vực, “nợ văn hóa” và “nợ hệ thống”. Khi nói đến NỢ, chúng tôi muốn nói tới việc đầu tư không thích đáng, đi tắt: Không làm những điều lẽ ra phải làm cho con người và cho hệ thống.
Nếu các khoản nợ này đang gia tăng có nghĩa là chúng ta đang ăn của tương lai: Chúng ta đang tạo thêm nợ và chúng ta sẽ phải trả một ngày nào đó, cả gốc lẫn lãi. Chúng là gánh nặng làm giảm năng suất và vận tốc. Sớm hay muộn các tổ chức sẽ bị dồn vào chân tường: Kéo theo 2 khoản nợ này sẽ làm chúng ta kiệt sức, khó có thể thể tiến về phía trước.
VĂN HOÁ TỔ CHỨC LÀ GÌ?
Hành vi của các thành viên trong một tổ chức chịu ảnh hưởng của ba nền văn hóa khác nhau: Văn hoá dân tộc, nghề nghiệp và văn hóa tổ chức của họ. Trong bài viết này tôi tập trung vào yếu tố cuối cùng.
Văn hóa tổ chức là hành vi và niềm tin của những người làm việc ở đó. ” Văn hóa tổ chức là biểu hiện của các giả định cơ bản mà một nhóm đã tạo ra, hoặc phát hiện qua quá trình học tập để đối phó với các vấn đề của nó để thích ứng với bên ngoài và hội nhập bên trong, và văn hoá này đã phát huy hiệu quả, đủ để được coi là hợp lý và, vì thế, được dạy cho các thành viên mới như một cách đúng đắn trong nhận thức, suy nghĩ, và cảm giác liên quan tới mọi vấn
đề “, (E.H. Schein)
Văn hóa mang tính kinh nghiệm: nó cho chúng ta một con đường tắt để đưa ra quyết định.
Văn hóa ảnh hưởng đến mọi thứ: Nó mang chiến lược ra làm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối.
Có một nền văn hoá tốt là mục tiêu cần đạt được của một tổ chức. Tuy nhiên, điều này không phải tự nhiên xảy ra. Một nền văn hoá cộng tác làm người lao động hứng thú và làm tốt nhất những gì họ có thể. Một tổ chức có văn hóa mạnh mẽ cũng sẽ hỗ trợ các giá trị và thái độ của riêng họ. Người lao động có năng suất và khả năng phục hồi cao hơn nhiều so với một tổ chức không có nền văn hoá tốt.
Khi làm việc với các tổ chức và doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy một vấn đề khá phổ biến ở nhiều nơi. Mọi người nhận thức rõ ràng rằng có gì đó không ổn nhưng họ không nói ra hoặc hành động vì nó. Văn hóa tổ chức khiến họ im lặng và thụ động. Những nền văn hóa này hết sức ngăn chặn việc nói ra sự thật, tranh luận hoặc bảo vệ chính kiến của mình và điều này dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.
Có thể có một nền văn hoá lành mạnh hoặc nền văn hóa lệch lạc, tuy nhiên không có một nền văn hóa tổ chức “chuẩn”. Văn hóa nào tốt cho một tổ chức phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của nó: thành công, tầm nhìn, giá trị, con người, lịch sử, những câu chuyện được kể (câu chuyện nói lên tất cả, “huyền thoại” của công ty) và môi trường (văn hóa quốc gia và ngành công nghiệp nơi tổ chức đó tồn tại).
Văn hóa không chỉ xuất hiện, nó là phần còn lưu lại của những kinh nghiệm của một tổ chức. Do đó văn hóa là kết quả không phải là nguyên nhân. Như trong bài (4) tôi đã viết, bạn không thể tạo ra hoặc thay đổi văn hóa. Bạn phải thay đổi hệ thống để thay đổi hành vi và kết quả, văn hóa sẽ hình thành từ đó.
CÓ THỂ NHẬN BIẾT VĂN HOÁ
Văn hóa tổ chức là “cách chúng ta làm mọi thứ xung quanh đây”: đó là thái độ và niềm tin tuyệt đối dẫn dắt mọi người để họ làm những điều họ đang làm. Nếu bạn muốn biết văn hóa của một tổ chức, đừng nghe họ nói mà hãy xem những gì họ làm, đặc biệt là cách họ đối xử với nhân viên, với nhà cung cấp và với khách hàng. Có một số mô hình để quan sát các hành vi nhưng tôi sẽ không phân tích chi tiết ở đây.
“Không khí” của một tổ chức là những biểu hiện có thể nhận thấy ngay lập tức: tinh thần, tâm trạng, cảm giác của bạn khi bạn ở đó. Những điều này do yếu tố văn hoá tiềm ẩn đưa đến và là những biểu hiện có thể nhận thấy.
Khi nền văn hóa bắt đầu được cải thiện, không khí làm việc sẽ được cải thiện nhanh hơn. Cho dù mọi việc tồi tệ đến đâu, mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn khi họ nhìn thấy sự tiến bộ, sự vui vẻ sẽ đến theo. Điều này khó đo đếm nhưng dễ để cảm nhận được, đặc biệt với những người bên ngoài thường qua lại giữa nhiều tổ chức.
Hãy cẩn thận với trào lưu buộc phải hạnh phúc trong một số tổ chức (Trào lưu buộc phải hạnh phúc đang ngự trị ở nơi làm việc của chúng ta – André Spicer) – bạn cần phải xem xét xung quanh để tìm hiểu điều gì ẩn chứa phía sau.
NỢ VĂN HOÁ
Nợ văn hóa là sự suy thoái của văn hóa tổ chức theo thời gian.
Nợ văn hóa bao gồm giảm tinh thần, thất hứa, hoài nghi, mệt mỏi, quá tải, quản lý kém và thiệt hại khác cho văn hóa của tổ chức.
Một đóng góp đáng kể vào các khoản nợ văn hóa là quản lý sự thay đổi kém (dù thay đổi thành công hay không). Cách chúng ta quản lý sự thay đổi như thế nào mới là quan trọng: Nếu chúng ta làm điều đó cho mọi người, nếu họ cảm thấy không được lắng nghe, không được tôn trọng và được đối xử như người lớn ở cùng một phía… những điều này tạo ra sự hoài nghi lớn và sự chống đối trong tương lai.
Thật vậy, không gì có thể bù đắp cho một nền văn hóa bị phá vỡ, và một nền văn hóa bị phá vỡ có thể là kết quả của một loạt các quyết định, các chính sách không được xem xét kỹ càng. Hiểu về nợ văn hóa để tìm cách đối mặt và dần dần xoá bỏ nó thay vì là bị mắc kẹt bởi nó.
Do đó, một khía cạnh quan trọng trong quản lý linh hoạt sẽ là xác định và kiểm soát khoản nợ văn hóa này để đảm bảo rằng tổ chức có thể phát huy được hết năng lực và hoạt động một cách tốt nhất.
NỢ HỆ THỐNG
Chất lượng thấp là nợ hệ thống. Khi chúng ta thỏa hiệp về chất lượng trong hệ thống sẽ tạo ra thêm công việc phải làm trong tương lai để đối phó với các hỏng hóc và thiếu sót. Điều này sẽ buộc chúng ta phải thoả hiệp trong tương lai, các khoản nợ hệ thống sẽ tiếp tục leo thang.
Thông thường, sẽ đến một điểm buộc chúng ta phải tiêu một khoản đáng kể để trả khoản nợ này theo nghĩa đen bằng cách đầu tư vào sửa chữa hệ thống, mà lẽ ra không cần phải sửa chữa, trước khi chúng dẫn chúng ta đến đóng cửa doanh nghiệp. Việc phập phù về chất lượng kiểu này thường gây ra nhiều vấn đề hơn những gì mang lại. Sẽ bền vững hơn rất nhiều khi cải tiến chất lượng từng bước ở mọi thời điểm.
“After years of intensive analysis, Google found the key to good teamwork is being nice”- Aamna Mohdin.
HÃY ĐỐI XỬ TỬ TẾ VỚI CON NGƯỜI VÀ HỆ THỐNG CỦA CHÚNG TA.
Làm ơn trích dẫn nguồn nếu bạn muốn chia sẻ. Thank you!
#Rob_England #Cherry_Vu #Agile_Enterprise #Quan_ly_linh_hoat, #Doanh_nghiep_linh_hoat #Agile_managers, #các_nhà_quản_lý_linh_hoạt #agile_management #Teal_Unicorn