Những năm học đại học tôi không chú ý quá nhiều đến mọi thứ trên mọi thứ trên đời, kể cả việc học. Học để thi, để qua môn, để có bằng, cũng không biết có thể làm gì với cái bằng ĐH nữa. Lúc đó, tôi chỉ thấy trường ĐH không dạy cho tôi nhiều kiến thức, ngoài mấy cuốn giáo trình cũ kỹ, những kiến thức giáo điều sao đi chép lại đáng chán …
Cho đến ngày tôi đọc được một câu ở đâu đó rằng: “Tri thức là thứ duy nhất thuộc về bạn, đó là thứ tài sản không ai có thể lấy đi của bạn.” Câu nói này như một cú đánh, khiến tôi tỉnh ngộ. Từ lúc đó tôi nhìn việc học bằng con mắt khác và tôi học bằng mọi cách, tìm mọi cơ hội để hiểu biết hơn, để tiến bộ hơn bản thân mình mỗi ngày.
Sau này tôi bị ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng của John Henry Newman rằng: “Phát triển là bằng chứng duy nhất của sự sống.” Tôi đề cao sự phát triển và có niềm tin sâu sắc rằng phát triển chính là lý do để chúng ta có mặt ở đây.
Sau này, khi đã đi qua nhiều chặng đường đời, tôi nhận ra rằng chỉ khi ta phát triển, làm được những gì ta muốn làm, quản lý và dẫn dắt được cuộc đời mình (chứ không chỉ đơn thuần là sống) tôi mới thấy thật sự hạnh phúc từ sâu thẳm và nhận ra nơi mình có thể phát huy đầy đủ khả năng và là con người thật nhất của mình.
Phát triển là một hành trình nhọc nhằn, bạn đã bao giờ quan sát con sâu bướm cố thoát mình ra khỏi cái vỏ kén, hay khoảnh khắc con gà dùng hết sức mình để thoát ra khỏi cái vỏ trứng chưa? Phần lớn sự phát triển đều nhọc nhằn như vậy, không có con đường tắt, không có con đường dễ và cũng không ai có thể làm việc này thay bạn.
Tôi biết ơn sâu sắc những nhà tư tưởng tài ba đã có ảnh hưởng đến hành trình sống của tôi, tôi cũng rất biết ơn những bài học, những vấp ngã tôi đã trải qua vì chính chúng cũng là những người thầy của tôi, chúng không chỉ dạy cho tôi những bài học sâu sắc nhất mà còn khơi nguồn cảm hứng để tôi phát triển bản thân.
Sau này tôi may mắn gặp được người không ngừng học. Người ấy không bao giờ nói ngôn ngữ giáo điều rỗng tuếch và cũng không chịu nổi bất kỳ thứ gì bullshit trên đời.
Lại tiếp tục lao vào học như không bao giờ chết và càng học càng thấy mình biết ít quá

.
Tôi luôn nói với con: Có con đường dễ và con đường khó để đi, tùy con chọn. Nếu con chọn làm giàu tri thức của mình và học cách ứng dụng nó vào cuộc sống, đó là con đường khó. Nhưng cuộc sống của con sẽ dễ dàng sau này.
Ngược lại, nếu con chọn con đường dễ, không trau dồi tri thức, không học cách ứng dụng, đó là con đường dễ. Con sẽ khó có thể sống một cuộc đời mà con mong muốn nếu đi theo con đường dễ này.
Và thật may mắn, đám con dại của chúng tôi vẫn đang không ngừng học tập và tích lũy tri thức mỗi ngày. Cái ni chỉ nói suông không được đâu ạ, cha mẹ phải làm gương.
Các mình có làm được không ạ?
Trích: Con mình chẳng lẽ lại ‘vứt’?