NỖI OAN CỦA IT

Ở nhiều tổ chức chúng tôi làm việc, khi được hỏi: “Vấn đề nào đang cản trở các bạn hoàn thành tốt nhất công việc của mình?”, thì câu trả lời khá phổ biến là: Hệ thống công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động kinh doanh của chúng tôi.
“Vấn đề công nghệ” mà chúng tôi gặp khá đa dạng: Có doanh nghiệp có tất cả mọi thứ nhưng không có gì hoạt động tốt. Có doanh nghiệp thì tất cả mọi thứ đều “chạy bằng cơm”, có nghĩa là hệ thống IT có cho vui, hầu như không có tác dụng gì, thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những vấn đề có thể nhìn thấy ở IT thường chỉ là phần NGỌN, vấn đề chưa bao giờ thực sự nằm ở IT. Nếu chúng ta cố gắng giải quyết bài toán công nghệ một cách thuần tuý, sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.
Vì sao lại như vậy?

Hệ thống công nghệ tốt có thể tạo ra kết quả tuyệt vời, nhưng hệ thông công nghệ tốt nhất vẫn có thể cho ra kết cục thảm hại. Nếu không tin bạn hãy google thử xem trên thế giới có bao nhiêu ngân hàng thất bại với hệ thống core-banking trị giá hàng trăm triệu hay hàng ngàn tỷ đô.
Nói như anh Rob England, đồng nghiệp của tôi thì: Công nghệ là close problem – ở đâu đó đã có lời giải, công nghệ hầu như không bao giờ là vấn đề.
Thay vì ngay lập tức giải quyết vấn đề NGỌN, hãy đi tìm và giải quyết những nguyên nhân chính tạo ra vấn đề đó. Vấn đề chính nằm ở hệ thống và cách quản lý, các mối quan hệ tương tác trong hệ thống. Nếu không thay đổi những điều đó thì bất kể bạn tiêu bao nhiều tiền, dành bao nhiêu nỗ lực để giải quyết công nghệ cũng không tạo ra được kết quả tốt. Vì công nghệ không phải là vấn đề chính.
Một CIO của một tổ chức khủng nói với tôi: Chúng tôi đang chuẩn bị triển khai digital transformation và ứng dụng Agile toàn hệ thống.
Tôi: Nếu một tờ trình còn chạy hết phòng này đến ban khác, có vài chục chữ ký trên đó thì digital transformation của các bạn sẽ giống như dùng QR code rồi vẫn cần con dấu của UBND phường. Khi đó số hoá chỉ tạo thêm vấn đề chứ không giúp giải quyết vấn đề.
Nếu các bạn chưa thể lập được 1 agile team để làm một sản phẩm theo cách linh hoạt thực sự thì điều gì khiến bạn kỳ vọng rằng bạn có thể áp dụng được trên toàn hệ thống?
Chỉ khi bạn làm cho hệ thống quản lý tốt hơn, hệ thống linh hoạt hơn, các mối quan hệ tương tác giữa những con người, những bộ phận trong tổ chức tốt hơn thì sau đó hãy xem làm thế nào để công nghệ có thể giúp hệ thống tối ưu hoá hoạt động của mình. Lúc đó, đầu tư vào công nghệ sẽ là cách khôn ngoan.
Túm lại, hay tập trung giải quyết ĐÚNG vấn đề chứ không nên tìm vấn đề dễ nhìn thấy để giải quyết.
Ps. Thôi không nói nữa không những người đang nỗ lực làm đúng những điều sai sẽ buồn, tôi đi vẽ đây.