Trong thời gian làm luận án tiến sỹ không biết bao nhiêu lần tôi đi vào ngõ cụt, tôi chán nản, nghi ngờ khả năng của mình, hình như mình không đủ kiến thức, không có khả năng, không đủ kiên nhẫn để hoàn thành, cảm giác bất lực, cảm giác bị cầm tù vô thời hạn và hơn một lần tôi muốn bỏ cuộc, muốn thoát khỏi nhà tù đó.
Gần hai năm qua, hành trình mang Tư duy linh hoạt và các phương thức làm việc và quản lý tiên tiến về Việt Nam cũng là một thách thức lớn đối với tôi. Những chuyến bay thường xuyên về VN, những lo lắng xung quanh mẹ già, những vấn đề về sức khỏe của mẹ, hạnh phúc của những người trong gia đình, của con trai ở tuổi vị thành niên… cộng với những vấn đề trong công việc: hệ thống miễn dịch trong các doanh nghiệp khách hàng chống lại sự thay đổi, cản trở từ những người bảo thủ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, những người ra sức chống lại tư duy mới, cách làm việc mới; đường cong hình J khi thay đổi ảnh hưởng đến những người mà tôi quan tâm sâu sắc… Những thách thức dường như hội tụ cùng một lúc đã thử thách sự kiên cường và khả năng tự phục hồi của tôi.
Mọi người đều trải nghiệm điều này và đôi khi tồi tệ hơn nhiều. Tôi biết tôi không hoàn toàn cô độc nhưng nó đã khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn, nhiều lúc tôi đã muốn từ bỏ: Vì sao tôi chọn con đường khó để đi? Tôi hoàn toàn có thể chọn con đường êm ái ở New Zealand, đất nước bốn mùa hoa thơm trái ngọt này, sao tôi phải trăn trở với những vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam?
…
Vào thời điểm đối diện với nghịch cảnh trong đời sống cá nhân hoặc sự nghiệp, tất cả chúng ta đều cảm thấy bất thường, sẽ có một lúc nào đó nghi ngờ về chính mình và muốn bỏ cuộc.
Để trả lời câu hỏi: làm thế nào để thấy khó khăn, gian nan mà không bỏ cuộc? Tôi muốn chia sẻ một vài nguyên tắc mà tôi đã áp dụng trong những tình huống này.
Nguyên tắc đầu tiên: Hãy đặt câu hỏi “Vì sao ta bắt đầu việc ta đang làm?”
Đôi khi bạn bị mất đà, cảm thấy thất vọng và bất lực, hoặc thậm chí đi lạc khỏi định hướng ban đầu. Nếu điều đó xảy ra với bạn, hãy dừng lại và dành thời gian để tựhỏi: lý do nào khiến bạn bắt đầu công việc này?
Chúng tôi quan sát thấy rằng nhiều tổ chức đã mất năng lượng sau thời kỳ “trăng mật”của sự nhiệt tình và phấn khích. Khi thấy hiện tượng này, chúng tôi thường khuyên họ nhớ tại sao họ bắt đầu. Nếu bạn thấy mình trong tình huống này, hãy xem xét:
- Những gì bạn đã làm và liệu kết quả đạt được có như mong đợi không.
- Những gì bạn không hài lòng và kết quả ngoài ý muốn.
- Những gì cần điều chỉnh hoặc thay đổi để làm tiến độ tốt hơn.
Trên hết, hãy suy ngẫm xem bạn đã đạt được những gì. Hãy chắc chắn rằng các kết quả có thể được nhìn thấy và chứng minh: bằng dữ liệu, vẽ các biểu đồ hấp dẫn… Chúng ta thường không nhìn thấy gỗ trong cây và có xu hướng níu lấy những tiêu cực. Do vậy, điều quan trọng là thể hiện sự tiến bộ và làm nổi bật sự tích cực.
Đừng quá tuyệt vọng nếu sự nhiệt tình suy giảm và đà bị mất. Đó là một chu kỳ tự nhiên của hệ thống, của con người. Hãy thu thập tài nguyên, tập hợp lực lượng, lập kế hoạch lại, tái tạo năng lượng và tạo ra một làn sóng chuyển đổi khác.
Nguyên tắc thứ hai: Điều chỉnh suy nghĩ của mình về sự tiến bộ của bản thân. Bạn lớn lên, trưởng thành hơn nhờ việc học hỏi và phát triển liên tục. Trong hành trình sống và làm việc chúng ta liên tục trải nghiệm, học hỏi, thích nghi, tiến bộ và lặp lại. Hãy nhớ rằng sự tiến bộ và sự thoải mái không cùng tồn tại. Điều khiến chúng ta không thoải mái có thể giúp chúng ta phát triển, nhưng chúng ta cần được trang bị những suy nghĩ đúng đắn để nắm bắt những điều không như ý và học hỏi từ nó.
Nguyên tắc thứ ba, đây là điều khó nhất: Trau dồi khả năng phục hồi cá nhân. Khi bạn đang ở thời điểm cực kỳ khó khăn, cảm thấy như mình đang ở điểm thấp nhất bạn phải gắng gượng để tìm lại năng lượng tích cực cho mình, công việc và gắn kết với những người khác. Có nhiều doanh nhân thành đạt sẽ nói với bạn rằng họ đã trải qua nhiều thất bại mới có được thành công hôm nay. Tuy nhiên nếu không có cảm giác về khả năng phục hồi cá nhân cho phép họ bật lại và giúp họ tự tin vào khả năng của mình để vượt qua, nhiều người cuối cùng sẽ không bao giờ thành công.
Nguyên tắc thứ tư: Sự tham gia và hòa nhập, cần củng cố niềm tin “Tôi thuộc về và tôi quan trọng”. Mọi người đều có giá trị bất kể hoàn cảnh ra đời của họ thế nào. Hãy nuôi dưỡng niềm tin đó vào bản thân và những người khác, rằng bạn thuộc về và những gì bạn đóng góp cho phép bạn và những người khác thấy với sự tự hào rằng đây là phiên bản tốt nhất của chính bạn.
Nguyên tắc thứ năm là sự linh hoạt – thích ứng và thay đổi nhanh với sự thay đổi của hoàn cảnh, cộng với sự tôn trọng, cởi mở, đồng cảm và can đảm. Những người anh hùng và những nữ anh hùng mà tất cả chúng ta ngưỡng mộ trong sách vở hay phim ảnh đều có những đặc điểm này. Đây là những thuộc tính cá nhân mà chúng ta ngưỡng mộ ở người khác, đặc biệt là khi những cá nhân đó đã vươn lên và chiến thắng nghịch cảnh.
Nguyên tắc thứ sáu sự minh bạch và tin tưởng. Đây là nền tảng để xây dựng tất cả các mối quan hệ lâu dài và bền vững. Để làm được điều này, cần tạo ra sự an toàn về tâm lý khuyến khích mọi người cởi mở và trung thực, hãy đặt niềm tin vào họ. Khi bạn đối mặt với một tình huống khó khăn, niềm tin là thứ duy nhất khiến bạn cảm thấy không đơn độc – tin tưởng vào bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp của mình. Sự tin tưởng đó sẽ truyền cảm hứng cho bạn để bạn có thể bảo toàn hoặc vươn tới đỉnh cao hơn.
Những nguyên tắc trên đã giúp tôi kiểm soát và vượt qua những thách thức trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, việc cải thiện bản thân không phải chỉ làm một lần mà điều này không bao giờ dừng lại. Tất cả chúng ta đều cần không ngừng học hỏi và không ngừng phát triển mỗi ngày.
Hy vọng những nguyên tắc trên không chỉ giúp ích cho các nhà quản lý trong công việc mà còn giúp chúng ta đối phó với những thách thức mà cuộc sống ném vào chúng ta.
“Điểm yếu lớn nhất của chúng ta nằm ở việc từ bỏ. Cách chắc chắn nhất để thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa.” – Thomas Edison.
Làm ơn trích dẫn nguồn nếu bạn muốn chia sẻ. Thank you!