Hôm trước, trong khi chơi một game mô phỏng một doanh nghiệp hoạt động theo cách hoàn toàn tự tổ chức cho một công ty, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, mọi người đã trải qua một cơ số lần làm fail, cải tiến, tiếp tục fail, tiếp tục cải tiến cho đến mọi người làm việc trơn tru và đạt được mục tiêu. Khi kết thúc trò chơi tôi đã nói với họ:
– Một tổ chức tốt là một tổ chức luôn chào đón thất bại, coi thất bại là bình thường, là những việc chúng ta làm xung quanh đây.
– Thất bại là tải sản của một tổ chức nếu chúng ta rút ra được bài học từ đó. Nếu sợ thất bại ai dám sáng tạo? Ai dám thử làm những việc cũ theo những cách mới?
– Sau những lần thất bại chúng ta đã đạt được kết quả tốt, chúng ta chiến thắng cùng nhau. Đó chẳng phải là quá trình trưởng thành của tất cả chúng ta và của mọi tổ chức đó sao?
Post lại bài này để các ông bố bà mẹ và các nhà quản lý có động lực chào đón thất bại nào (trích dẫn Con mình chẳng lẽ lại ‘vứt’?
DŨNG CẢM NHÌN CON THẤT BẠI
Có một câu chuyện dư này, trích trong: “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” của Mark Manson, là một người bạn mà Cherry cực quý (ai chưa đọc cuốn này nhất định phải đọc):
“Khi đã lớn tuổi, Pablo Picasso thường ngồi trong quán café ở Tây Ban Nha, vẽ nguệch ngoạc lên một cái khăn giấy đã dùng. Ông khá thờ ơ với mọi sự, chỉ vẽ ra những gì làm cho ông thích thú tại thời điểm đó – giống như kiểu mấy thằng nhóc tuổi ô mai mơ hay vẽ hình bậy bạ trong buồng vệ sinh vậy – ngoại trừ việc đây là Picasso, nên cái hình bậy bạ của ông trong buồng vệ sinh trở thành một kiệt tác hội họa theo trường phái lập thể/ấn tượng nằm trên vệt cà phê loang.
Có một người phụ nữ ngồi gần ông đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy bức vẽ. Picasso uống xong tách cà phê và vo tròn tờ giấy ăn để vứt đi trước khi ông rời quán.
Người phụ nữ ngăn ông lại: “Khoan đã,” bà gọi. “Tôi có thể lấy tờ giấy ăn ông vừa vẽ lên không ạ? Tôi sẽ trả ông tiền.”
“Được chứ,” Picasso trả lời. “Hai mươi ngàn đô.”
Người phụ nữ choáng váng như thể vừa bị ông táng cho cả cục gạch vào đầu. “Cái gì cơ? Ông chỉ mất có hai phút để vẽ nó thôi cơ mà.”
“Không đâu, thưa bà,” Picasso nói. “Tôi phải mất tới sáu mươi năm mới vẽ được nó đấy.” Ông nhét tờ giấy ăn vào túi và rời khỏi đó.
Sự tiến bộ trong bất kỳ lĩnh vực gì là thứ được tạo ra dựa trên hàng ngàn sai lầm nhỏ, và sự vĩ đại của thành công mà bạn có được là dựa trên số lần bạn thất bại ở một điểm nào đó. Nếu như có ai đó vượt trội hơn so với bạn ở một điểm nào đó, là vì họ đã thất bại nhiều lần hơn so với bạn. Nếu ai đó kém cỏi hơn bạn, là bởi họ chưa trải qua đủ những bài học đau đớn mà bạn từng trải qua.
Nếu như bạn nhớ tới một đứa trẻ đang tập đi, đứa trẻ ấy sẽ phải vấp ngã và bị đau đến hàng trăm lần. Nhưng chẳng bao giờ nó dừng lại và nghĩ: “Đi không phải là việc của mình. Mình đâu có rành cái vụ này.”
Lảng tránh thất bại là điều mà chúng ta học được ở một thời điểm trong đời. Tôi cá là phần nhiều đến từ hệ thống giáo dục của chúng ta, thứ luôn đánh giá khắt khe chúng ta dựa trên thành tích học tập, làm văn cũng phải theo công thức, làm toán cũng phải theo đúng hướng dẫn từng bước, và những ai không có được thành tích tốt sẽ bị trừng phạt.
Một phần không nhỏ khác đến từ các bậc phụ huynh độc đoán hoặc thích chỉ trích – những người không cho phép con cái họ tự trải nghiệm, họ trừng phạt chúng vì việc thử những cái mới hay vì không tuân theo con đường đã được định trước. Bên cạnh đó chúng ta còn có cả một hệ thống truyền thông lúc nào cũng ra rả vào tai hết tấm gương thành công này đến siêu nhân khác, trong khi lại lờ tịt đi hàng ngàn giờ rèn luyện buồn tẻ và chán ngắt mà họ cần thực hiện trước khi đạt tới thành công. (Có ai biết để có được 1 giờ vinh danh trong buổi lễ tốt nghiệp tiến sỹ tôi đã phải mất ngủ hàng ngàn đêm.)
Túm lại, hãy để con bạn tập đi và tập ngã, tập đứng lên từ đó. Chúng phải học những bài học của bản thân. Việc của chúng ta là ở đó, khích lệ và tạo động lực để con đứng lên. Cũng đừng bao giờ so sánh con bạn với bất kỳ ai, những bài học thành công của thiên hạ thực sự chẳng giúp gì cho con bạn. Nếu bạn không dám để con thất bại, con bạn sẽ luôn là khán giả, chỉ đứng từ xa nhìn người khác thành công mà thôi.
Và không phải ai cũng sẽ trở thành những ngôi sao sáng chói trên bầu trời này, hãy để con thử thách và tỏa sáng theo cách của riêng của chúng.
Never fail to be failed.

Bonus mọi người một bài viết của David năm 12 tuổi:
Giống như mọi người thường nói, những gì cần phải đến sẽ đến. Không ai là hoàn hảo và tất cả mọi người đều phạm sai lầm. Tại một số thời điểm của cuộc sống, mọi thứ có thể cảm thấy như bạn mất tất cả và bạn đánh mất chính mình. Bạn quên mất mục tiêu của bạn là gì và ngừng cố gắng. Vâng, tôi đang trải qua giai đoạn đó của cuộc đời mình.
Vài ngày trước, tôi đã tham gia một cuộc thi cho một chương trình mà nhóm Infinite tổ chức. Nhóm nhảy đó là một trong những nhóm tốt nhất trên thế giới và các buổi biểu diễn của họ rất tốn kém. Tôi biết rằng sẽ rất khó để vào nhưng tôi đã thử chỉ để cho vui. Tuy nhiên, một số bạn bè của tôi cũng thử và họ được mời tham gia chương trình còn tôi thì không. Tôi cảm thấy rất buồn và ở một lúc nào đó tôi đã có ý định bỏ nhảy.
Nhưng khi tôi nhìn vào tất cả những người thành công nhất trên thế giới, tôi thấy rất nhiều người trong số họ cũng từng bị từ chối. Ví dụ, cầu thủ bóng rổ huyền thoại, Michael Jordan đã không được tham gia vào đội bóng rổ của trường trung học. Khi tôi nhìn vào những người đó, họ đã cho tôi hy vọng. Cuối cùng tôi cũng có thể tìm lại được đôi chân của mình và tôi đã tự hứa với mình rằng một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh cho những người đánh giá tôi qua một buổi diễn thử rằng họ đã đánh giá thấp tôi.
Dù sao đi nữa, bất cứ ai đang ở thời điểm không tin vào chính mình, chỉ cần biết rằng chúng ta đều sẽ phải trải qua phần đó trong cuộc đời. Nhưng lúc này sẽ là một lựa chọn cá nhân để tiếp tục hoặc khiến bản thân tin rằng mục tiêu của mình là bất khả thi. Khi bạn có lựa chọn giữa theo đuổi ước mơ hoặc từ bỏ, hãy lựa chọn đúng bởi nếu Henry Ford từ bỏ sau khi bị từ chối, sẽ không có những chiếc xe đẹp được gọi là Ford để đi quanh trong thành phố.
Ps. Sáng mai lúc 6.30 ngày 24/5 trong chương trình Cafe sáng của VTV Đài Truyền hình Việt Nam tôi sẽ chia sẻ về: Làm thế nào để việc dạy con đỡ áp lực? nếu ai quan tâm làm ơn dậy sớm ạ.
From Hà Nội with love
