Mọi điều tốt đẹp đều cần có thời gian

Để đạt được sự tiến bộ bền vững của một tổ chức đòi hỏi một quá trình dài, không phải tính bằng ngày, bằng tuần mà cần tính bằng tháng, bằng năm. Trên hành trình này sẽ có nhiều chướng ngại vật che mất tầm nhìn của bạn, cũng có khi bản thân những người dẫn đầu thấy mất đà, mất lực, đi lạc xa với định hướng ban đầu.
Nếu điều đó xảy ra với bạn, hãy dừng lại và xem xét lại mục tiêu ban đầu của mình: vì sao ta bắt đầu việc này? Trong quá trình tư vấn cho các tổ chức và doanh nghiệp, chúng tôi thường xuyên phải nhắc lại câu hỏi này với những người đứng đầu:
– Vì sao ông/bà bắt đầu hành trình thay đổi tổ chức của mình?
Câu trả lời thường là một vài hoặc tất cả những lý do sau đây:
  1. 1Chúng tôi đã không đủ nhanh, không đủ tốt để đáp ứng được với nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi muốn tăng khả năng cạnh tranh của mình.
  2. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được như mong đợi. Chúng tôi muốn hiệu quả làm việc cao hơn.
  3. Chúng tôi muốn có một nền văn hóa liên tục cải tiến, liên tục tiến bộ để có thể linh hoạt ứng phó được với sự biến đổi của thị trường, xã hội, công nghệ.
  4. Chúng tôi muốn xây dựng một tổ chức hạnh phúc nơi mọi người mỗi ngày đến làm việc là một ngày vui.
  5. Muốn là tổ chức tiên phong, dẫn dắt, tư duy mới, cách làm việc mới, trở thành tổ chức linh hoạt đi đầu trong ngành, lĩnh vực của mình.
Nếu lý do tồn tại của doanh nghiệp của bạn là làm hài lòng khách hàng, mang đến những giá trị nhanh nhất, tốt nhất cho họ thông qua sản phẩm, dịch vụ thì làm thế nào để đạt được những điều này? Hãy xem xét lại những vấn đề sau:
  • Những gì bạn và tổ chức đang làm có kết quả tích cực hay không?
  • Điều gì làm bạn chưa hài lòng, kết quả nào không như mong đợi?
  • Cần thay đổi như thế nào để phục vụ được khách hàng tốt nhất?
  • Mọi người trong tổ chức có vui vẻ, hạnh phúc không?
Để dẫn dắt sự thay đổi thành công, dưới đây là một số điều bạn nên tránh :
  • Đừng để một người đại diện phát ngôn: đây là một tư duy đóng, chúng ta cần thông tin đa chiều, thô nhất, không qua bất kỳ một bộ lọc nào. Ngoài ra, chúng ta muốn từng thành viên trong tổ chức, trong các đội trưởng thành, học được cách làm việc và tư duy mới. Chúng ta chỉ có thể học nhau khi có sự tương tác trao đổi công việc thường xuyên, hàng ngày, công việc phát sinh, ý tưởng phát sinh.
  • Coi các team khác là đối tượng bên ngoài cần đối phó: Chúng ta cộng tác để hướng tới phục vụ một khách hàng chung, không phải là đối thủ cạnh tranh hay có mâu thuẫn về mặt lợi ích “anh mất tôi được” hoặc ngược lại. Chúng ta cần hợp tác để cùng dành chiến thắng.
  •  Quản lý can thiệp, điều khiển hoạt động của team: hãy để những người trực tiếp làm việc lên kế hoạch thực hiện công việc, quản lý về mặt nguyên tắc, tin tưởng, trao quyền, khích lệ, tạo vùng an toàn, loại bỏ rào cản. Không phải chỉ ở VN mà ở bất kỳ một nền văn hóa nào, khi người có quyền lực đưa ra ý kiến lập tức tất cả những người khác ngừng suy nghĩ, ngừng có ý kiến. Nếu muốn team làm việc tốt nhất hãy buông vô lăng và để họ tỏa sáng.
Việc của các nhà quản lý là ra đầu bài: Tôi muốn kết quả như thế nào – nhân viên chịu trách nhiệm làm thế nào để có kết quả đó.
Xin nhắc lại một điều quan trọng: Hãy kiên trì với những gì mình đang làm và kiên nhẫn với mọi người. Đừng so sánh mình với sự hoàn hảo mà hãy vui nếu hôm bạn tiến bộ hơn ngày hôm qua.

Làm ơn trích dẫn nếu bạn muốn chia sẻ. Xin cảm ơn!