Hôm qua tôi trò chuyện với một bạn trẻ sau khi bạn ý vừa hoàn thành cuộc phỏng vấn việc làm ở một ngân hàng quốc tế. Tôi hỏi bạn:
– Họ có hỏi vì sao con muốn tìm việc mới không?
Bạn bảo: Có ạ. Con trả lời họ rằng con đã đến điểm tới hạn trong việc học ở nơi con đang làm hiện tại. Sau hơn một năm con đã không học được điều gì mới nên con cần một nơi mình có thể học hỏi nhiều hơn và tiếp tục phát triển năng lực của mình.
Bạn trẻ này sau khi ra trường làm ở một tổ chức nhỏ, chỉ sau sáu tháng bạn đã học được rất nhiều thứ, đã có thể đảm nhiệm hầu hết công việc chuyên môn, sau một năm bạn trở thành chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực bạn làm, là 1 trong 3 người giỏi nhất ở đó.
Sau đó bạn sang làm việc ở một cơ quan lớn của chính phủ, cũng chỉ trong một năm rưỡi bạn đã chạm đến ngưỡng không có gì mới để học và lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới để mở rộng kỹ năng và hiểu biết của mình.
Đây không phải là một trường hợp cá biệt mà rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Vậy các nhà quản lý cần làm gì để giữ chân họ?
Một giám đốc chi nhánh ngân hàng nói với tôi: Các bạn trẻ bây giờ nhảy việc nhiều lắm. Tỷ lệ turn-over của chúng tôi lên tới hơn 20%. Rất ít người gắn bó lâu dài với tổ chức, trừ những người đã cứng tuổi khó xin việc ở nơi khác. Điều này không chỉ gây lãng phí tiền bạc (tuyển dụng, đào tạo) mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Theo chị thì nên là gì để nhân viên, nhất là những người trẻ tuổi tài năng gắn kết với tổ chức?
Lời khuyên của tôi là:
– Trả lương xứng đáng với năng lực của họ. Trả nhiều nhất trong khả năng có thể để họ yên tâm làm việc. Đây là điều kiện cần.
– Cải thiện môi trường và hệ thống làm việc cho tinh gọn, giảm bớt những việc rườm rà, những thủ tục không tạo ra giá trị.
– Tạo ra một tổ chức tốt nơi họ được trao quyền, được tôn trọng, được tự do sáng tạo, được phát triển năng lực, được học hỏi để phát triển kỹ năng đa dạng.
– Làm cho họ cảm thấy tự hào và hãnh diện khi làm việc trong một tổ chức tốt đẹp, có những giá trị đúng đắn, tử tế và nhân văn.
Họ sẽ gắn kết và làm việc hết mình vì một tổ chức như thế.
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này: Một ngày viên sắt nói với thanh nam châm: “Thực ra ta không muốn bỏ người nhưng người đã không còn đủ sức hút ta nữa”.
Các nhà lãnh đạo, người quản lý trong các tổ chức phải là những thanh nam châm để hút những viên sắt. Nếu bạn không đủ sức hút, đừng trách họ rời bỏ bạn ra đi.
Bạn có làm được không?