ĐỐI PHÓ VỚI SỰ THAY ĐỔI

Từ khi bắt đầu chia sẻ về QUẢN LÝ LINH HOẠT tôi đã nói rõ rằng “để tiếp cận các phương thức làm việc và quản lý mới buộc bạn phải có tư duy cởi mở, phải bỏ đi một số những niềm tin, những thói quen thâm căn cố đế”. Những điều tôi chia sẻ với các bạn qua một loạt bài QUẢN LÝ LINH HOẠT là những phương thức làm việc và quản lý mới chúng tôi đã đúc rút ra được từ rất nhiều nguồn: Kinh nghiệm đồng hành cùng nhiều tổ chức đã thay đổi thành công, những kiến thức học được qua nhiều kênh khác nhau… Tất cả đều là facts, đã được chứng minh qua hàng ngàn các tổ chức thành công lớn nhỏ trên toàn thế giới, không có gì là giả thiết cả.
Đối với một số người có tư duy cũ, hay gọi là old school thinking, để họ tiếp thu được những tư duy mới, kiến thức mới đôi khi thực sự khó khăn. Hầu hết chúng ta được nuôi dưỡng với một tập hợp niềm tin và giá trị. Trong suốt cuộc đời, chúng ta có xu hướng bao quanh mình những người có chung giá trị và niềm tin đó. Bởi thế, có thể khó khăn khi chúng ta phải đối mặt với những ý tưởng thách thức chính chúng ta và mặc dù chúng ta có thể muốn cởi mở, đôi khi chúng ta phải đấu tranh để vượt qua chính bản thân mình.
Những người đã từng thất bại trong việc thay đổi hoặc những người không có đủ niềm tin vào con người, vào đội ngũ của mình thường có những kết luận bi quan hoặc giận dữ với những ý tưởng mới, cách làm mới. Họ nghi ngờ, họ sợ sự thay đổi sẽ dẫn đến khủng hoảng. Nhiều người bị ảo tưởng sức mạnh đã đánh giá quá cao khả năng cạnh tranh của mình nên không chịu lắng nghe và học hỏi. Phương châm quản lý của họ là “cứ làm theo cách đang làm nếu chưa hỏng thì không sửa chữa gì cả”.
Đôi khi tôi tự hỏi: Vì sao có nhiều dựa vào những phương pháp cũ kỹ, đơn giản, tuyến tính và thiên về phân tích như vậy? Câu trả lời là: Vì họ không được dạy để trở thành lãnh đạo, họ được đào tạo để trở thành những nhà quản lý theo mô típ cũ: Giữ cho mọi thứ ổn định.
Tuy nhiên, chúng ta không sống trong một thế giới ổn định. Những điều đưa bạn đến đây không dẫn bạn đến tương lai. Thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt: Tính cạnh tranh toàn cầu cao, môi trường kinh doanh thay đổi chóng mặt, sự tiến bộ của khoa học, công nghệ… không ai tránh được những yếu tố trên, những thách thức đôi khi gián tiếp, đôi khi trực tiếp cho dù bạn ở bất cứ đâu. Do đó thay vì hành xử như những chú đà điểu rúc đầu trong cát và lờ đi sự biến đổi của thế giới bên ngoài, hãy tìm hiểu xem thiên hạ đang làm gì để phát triển, đừng thỏa mãn, hãy thoát ra khỏi cái bóng của chính mình.
Toàn bộ tiền đề của cuốn sách”Nhà Quản lý linh hoạt” của chúng tôi là các nhà quản lý là lớp “băng vĩnh cửu”, lớp đông lạnh, là sự khánh cự lớn nhất của sự thay đổi. Để trở thành một nhà quản lý linh hoạt, bạn phải phát hiện, hiểu và đối phó với các phản ứng kháng cự của chính mình.
Bạn cần tự nhận thức, dành toàn tâm để phát hiện khi bạn đang bị đẩy lùi lại, và tìm hiểu tại sao. Hiểu cảm xúc là gì và nó bắt nguồn từ đâu trong chính bạn – niềm tin nào đang thúc đẩy nó.
Thử thách niềm tin của chính bạn. Kêu gọi sự giúp đỡ từ những người ủng hộ bạn: cố vấn, giáo viên, huấn luyện viên và mạng lưới của bạn. Cố gắng thay đổi câu chuyện về mình dẫn đến phản ứng này: nhìn thế giới khác đi.
Cuối cùng, hãy thử nhìn những khía cạnh tích cực của sự thay đổi, đừng dừng lại chỉ vì lo lắng, vì sợ những rủi ro.
Làm ơn trích dẫn nguồn nếu bạn muốn chia sẻ. Thank you!