Điều TỐT – Điều ĐẸP – Điều THẬT

Đạo đức kinh doanh (hay còn gọi là đạo đức doanh nghiệp) là một hình thức đạo đức ứng dụng hoặc đạo đức nghề nghiệp, nó xem xét các nguyên tắc đạo đức hoặc các vấn đề xảy ra trong môi trường kinh doanh. Đạo đức liên quan đến những đánh giá đạo đức của cá nhân về đúng và sai. Trong doanh nghiệp, các quyết định có thể được đưa ra bởi một nhóm hoặc 1 một người nhưng bất cứ ai thực hiện chúng đều bị ảnh hưởng bởi văn hoá công ty. Một quyết định hành xử có đạo đức là một quyết định đạo đức. Mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều phải quyết định và hành động đúng đắn. Điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc từ chối những con đường tắt để có được lợi nhuận trước mắt trong thời gian ngắn.

Những nghiên cứu về văn hoá và đạo đức doanh nghiệp đã chứng minh hành vi đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường mang lại lợi ích đáng kể và lâu dài cho doanh nghiệp như:

  • Thu hút khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (tăng doanh thu và lợi nhuận)
  • Thu hút được những nhân viên ưu tú, có đạo đức, khiến nhân viên trung thành, gắn bó lâu dài (năng suất cao)
  • Thu hút các nhà đầu tư, tăng giá trị cổ phiếu
  • Tránh được các nguy cơ kiện tụng do cung cấp sản phẩm chất lượng kém, tránh những hành vi vi phạm pháp luật.
  • Xây dựng và duy trì được danh tiếng của DN (đây là tài sản quan trọng nhất của một DN).

Khi các nhà đầu tư biết rằng công ty mà họ giao dịch áp dụng những quy chuẩn đạo đức và bảo đảm sẽ làm việc một cách có trách nhiệm và đạo đức, các nhà đầu tư sẽ yên tâm rằng tiền của họ đang được sử dụng theo chuẩn mực đạo đức của chính họ. Khi làm việc cho một công ty có nền tảng đạo đức mạnh mẽ, người lao động sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức, sẽ ngăn chặn và không cho phép các hoạt động phi đạo đức xảy ra. Khách hàng sẽ tin tưởng khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ từ một công ty coi trọng đạo đức.

Ngược lại, những DN không tuân theo các quy tắc đạo đức nào hoặc bỏ qua các vấn đề trách nhiệm xã hội sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vd: không xử lý nước thải, xả thẳng ra sông hồ dẫn đến ô nhiễm môi trường, sản xuất ra thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh gây nhiễm bệnh, kinh doanh thuốc giả, hàng giả, lừa đảo, gian dối … Những hành vi phi đạo đức sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của công ty dẫn đến khách hàng, các nhà đầu tư và nhân viên tốt sẽ dần dần bỏ đi.

Trong cuốn sách Nhà quản lý linh hoạt: Các phương thức làm việc và quản lý mới, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tính toàn diện trong tổ chức. Tính toàn diện ở đây không chỉ liên quan đến con người, hệ thống, chính sách, phương pháp quản lý … Để một doanh nghiệp phát triển bền vững chúng ta cần khôi phục tính nhân văn trong văn hoá tổ chức: Thống nhất các yếu tố đạo đức, thẩm mỹ và khoa học hay còn gọi là điều TỐT, điều ĐẸP và điều THẬT với nhau.

Đoạn dưới đây dành cho những ai muốn hiểu sâu hơn, nếu không bạn có thể bỏ qua.

Khái niệm Tốt, Đẹp, Thật có từ thời cổ đại, được tìm thấy đầu tiên trong Bhagavad Gita (là một phần của sử thi Mahabharata của Ấn Độ giáo) và những lời răn dạy của Plato. Giống như ba mặt của một lăng kính, khái niệm này phản ảnh trong ý thức và toàn bộ trải nghiệm của con người. Tốt – Đẹp – Thật được chứng minh là hữu ích hơn bao giờ hết trong thời đại hiện nay, trong mọi lĩnh vực của đời sống nói chung và trong quản trị doanh nghiệp nói riêng.

Vậy Tốt – Đẹp – Thật là gì:

– Điều Tốt: là đạo đức, phẩm chất, thế giới quan, bối cảnh chung, văn hóa; có ý nghĩa liên chủ thể, hiểu biết lẫn nhau, sự phù hợp, sự công bằng – liên quan đến Chúng ta (tập thể)

– Điều Đẹp: là ý thức, chủ quan, bản thân và tự thể hiện (bao gồm cả nghệ thuật và thẩm mỹ); trung thực, chân thành – liên quan đến Tôi (cá nhân)

– Điều Thật: là khoa học, logic, bản chất khách quan, các hình thức thực nghiệm, chân lý – Nó (bên ngoài)

Vậy ba mặt này được xếp thứ tự ra sao?

– Điều Tốt được định nghĩa bằng Sự thật, không phải bằng ý chí, nó chỉ Tốt khi nó Đúng.

– Điều Đẹp được định nghĩa bởi điều Tốt, sự tốt đẹp khách quan, không phải sự khao khát chủ quan, niềm vui hay trí tưởng tượng.

– Tốt là Sự thật và Đẹp. Đẹp là Sự thật và Tốt.

Để hiểu được sự toàn diện chúng ta cần phải hiểu các bộ phận và để hiểu các bộ phận cần phải đặt chúng trong sự toàn diện. Đó là vòng tròn của sự hiểu biết. Trong vòng tròn hiểu biết đó chúng ta sẽ tìm ra được ý nghĩa, giá trị và tầm nhìn cho doanh nghiệp của mình.

Hãy nhớ rằng: Đạo đức (Tốt), thẩm mỹ (Đẹp) và khoa học (Thật) là ba khía cạnh lớn nhất của viên ngọc sống. Nếu chúng ta tôn trọng và tích hợp được 3 khía cạnh này thì không chỉ doanh nghiệp của chúng ta phát triển mà còn kéo theo sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường xã hội chúng ta đang sống.

Ps/ Hy vọng các bạn không thấy nói đến đạo đức là điều gì đó giáo điều và sáo rỗng, các bạn cũng đừng nghĩ rằng trong hàng ngàn vạn những kẻ làm ăn gian dối, chụp giật ngoài kia, mình ta tử tế chỉ thiệt thân, hay như người Việt thường nói “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”. Hãy nhìn vào trình độ phát triển của chúng ta hiện nay so với mặt bằng chung của thế giới, bạn sẽ thấy điều đó thực sự không đúng chút nào.

Có câu: Sai là sai thậm chí nếu tất cả mọi người đều đang làm điều đó, đúng là đúng ngay cả khi không ai làm điều đó.

Jordan Belfort thì nói:

“Không có cách nào để thành công trong kinh doanh mà không có tiêu chuẩn đạo đức cao nhất”.

Làm ơn trích dẫn nguồn nếu bạn muốn chia sẻ. Thank you!

#Rob_England #Cherry_Vu #Agile_Enterprise #Quan_ly_linh_hoat, #Doanh_nghiep_linh_hoat #Agile_managers, #các_nhà_quản_lý_linh_hoạt #agile_management

Image may contain: mountain, sky, cloud, outdoor and nature, possible text that says 'There is no way to succeed in business without the highest ethical standard Jordan Belfort'