Con người là tài sản hay món nợ?

Một lần đến làm việc tại trụ sở của một ngân hàng, vì đến sớm hơn giờ hẹn nên tôi đứng ngoài hành lang, tôi thấy một poster lớn ghi “Our people are our greatest asset (Con người là tài sản lớn nhất của chúng ta). Bình thường có lẽ tôi không nghĩ nhiều lắm, nhưng chứng kiến những mối quan hệ đổ vỡ của chính những người làm việc ở đây, thấy những nhân viên ủ dột, những người quản lý giận dữ, hiếm khi thấy ai đó nở nụ cười thì dòng chữ này thực sự khiến tôi băn khoăn.
Khi vào cuộc họp, trước khi bắt đầu tôi đã hỏi mọi người trong cuộc họp (các nhà điều hành và quản lý cấp cao): Các vị có thực sự cho rằng con người là tài sản lớn nhất của ngân hàng này không?
Mọi người nhìn nhau, có vẻ như họ bất ngờ với câu hỏi này. Một lúc sau một người nói: Cũng còn tùy, nếu đúng người thì là tài sản lớn nhất, nếu sai người thì đó là một món nợ lớn.
Một vị khác tiếp lời: Chúng tôi đã rất chú trọng vào công tác tuyển dụng. Thậm chí làm cả việc săn đầu người đã tuyển những người giỏi nhất từ các ngân hàng khác và trả lương cho họ rất cao. Chúng tôi đã có chế độ đãi ngộ tốt cho họ nhưng chỉ sau một thời gian không thấy họ phát huy khả năng nên hoặc là họ bỏ đi, hoặc chúng tôi đành phải sa thải họ.
Vị khác nói thêm: Chúng tôi thậm chí đã mời những chuyên gia của … (một trong 4 tập đoàn tư vấn lớp nhất thế giới) đến giúp cải thiện cách làm việc của nhân viên nhưng không có tiến triển nhiều.
Câu chuyện dần dần được mở rộng hơn nhưng nhìn chung cấp trên trách cứ người dưới không chủ động, không sáng tạo, ỷ lại, mọi sự đều trông chờ vào quyết định của cấp trên, thậm trí đã quyết định xong vẫn cần cầm tay chỉ việc với từng việc nhỏ. Các nhà quản lý thấy nhân viên của mình vừa không có khả năng, vừa không có mong muốn hoàn thành nhiệm vụ.
Câu hỏi tôi đặt ra: Vì sao những người tài giỏi có thể thành công ở nơi khác nhưng không thành công ở đây? Liệu môi trường làm việc, cách quản lý, cơ chế làm việc của ngân hàng này có cho người ta phát huy được khả năng của họ không? Vì sao trả lương cao hơn hẳn mà vẫn không giữ chân được người tài? (Tôi đã từng thấy có DN trả lương cho 1 người cao hơn cả lương CEO với hy vọng người đó sẽ giúp cải thiện một mảng công việc nhưng rồi người đó vẫn bỏ đi).
Thực ra, trong hầu hết các trường hợp đó không phải là vấn đề của con người, của mỗi cá nhân. Đó là vấn đề của hệ thống, của quản lý. Hệ thống vô lý tạo ra những con người vô lý. Những con người vô lý tạo ra nền văn hóa tệ hại. Vòng luẩn quẩn này cần được phá vỡ bằng cách thay đổi cách quản lý, sửa sự vô lý của hệ thống đồng thời thay đổi cách làm việc.
Tuy nhiên, làm thế nào để chữa được tận gốc những nỗi đau phổ biến trên? Làm thế nào để hàn gắn các mối quan hệ tệ hại? Làm thế nào để con người thực sự là tài sản lớn nhất của mỗi doanh nghiệp? Làm thế nào để người của chúng ta TỐT HƠN, HẠNH PHÚC hơn mỗi ngày?