Cởi mở để tiếp cận tư duy quản lý mới

Để tiếp cận các phương thức làm việc và quản lý mới buộc chúng ta phải có tư duy cởi mở, phải bỏ đi một số những niềm tin, những thói quen thâm căn cố đế. Những điều tôi chia sẻ với các bạn qua một loạt bài QUẢN LÝ LINH HOẠT là những phương thức làm việc và quản lý mới chúng tôi đã đúc rút ra được từ rất nhiều nguồn: Kinh nghiệm làm việc, kiến thức trong sách vở, trên các diễn đàn, các hội nghị lớn trên thế giới… Tất cả đều là facts, đã được chứng minh qua hàng ngàn các tổ chức thành công lớn nhỏ trên toàn thế giới, không có gì là giả thiết cả. Đối với một số người có tư duy cũ, hay gọi là old school thinking, những gì tôi chia sẻ có vẻ như rất khó chấp nhận.

Tôi hiểu rằng để trở nên cởi mở đôi khi thực sự khó khăn. Hầu hết chúng ta được nuôi dưỡng với một tập hợp niềm tin và giá trị. Trong suốt cuộc đời, chúng ta có xu hướng bao quanh mình những người có chung giá trị và niềm tin đó. Bởi thế, có thể khó khăn khi chúng ta phải đối mặt với những ý tưởng thách thức chính chúng ta và mặc dù chúng ta có thể muốn cởi mở, đôi khi chúng ta phải đấu tranh để vượt qua chính bản thân mình.

Bản thân tôi, tự thấy mình là người khá cởi mở, nhưng, giống như hầu hết các bạn, tôi có một số quan điểm khá mạnh mẽ về một số vấn đề và không dễ thay đổi. Tôi tin rằng có niềm tin sâu sắc là một điều tuyệt vời và tất cả chúng ta nên trung thực với những gì chúng ta tin tưởng, nhưng có niềm tin sâu sắc không có nghĩa là phải có một tâm trí đóng kín.
Tôi nhận ra rằng khi mở mang đầu óc, tôi đã gặt hái được rất nhiều điều bổ ích. Tôi đã luôn mở cánh cửa cho tâm trí mình và để những ý tưởng và niềm tin mới xuất hiện. Xin chia sẻ với các bạn những lợi ích tôi thu được khi nhìn thế giới xung quanh với một tâm trí mở (tôi dùng chữ “ta” ở đây vì có thể những điều này đúng với cả bạn):

• Ta có cơ hội thay đổi những gì ta nghĩ và cách ta nhìn thế giới: Điều này không có nghĩa là ta nhất thiết sẽ thay đổi niềm tin của mình, nhưng ta có thêm nhiều lựa chọn.

• Ta giải phóng bản thân: Khi ta mở mang đầu óc, ta cho phép bản thân trải nghiệm những ý tưởng và suy nghĩ mới và ta thách thức những niềm tin đang có. Ta sẽ thấy rất tự do khi nhìn thế giới thông qua một tâm trí cởi mở.

• Có đầu óc cởi mở khiến ta trung thực với chính mình, ta thừa nhận rằng mình không biết tất cả. Ta sẽ tin rằng bất cứ sự thật nào mà ta biết có thể luôn có nhiều điều hơn là ta nhận ra.

• Ta cho phép mình trở nên yếu đuối: Một trong những điều đáng sợ nhất lớn nhất về việc nhìn thế giới bằng tâm trí cởi mở là khiến bản thân trở nên dễ bị tổn thương. Với cái nhìn cởi mở, ta thừa nhận rằng ta không biết tất cả mọi thứ và có những khả năng có thể ta chưa xem xét hết.

• Ta cho phép mình phạm những sai lầm: Việc phạm sai lầm dường như không có ích lợi gì và có vẻ không hay lắm, nhưng nếu không phạm sai lầm làm sao ta có thể phát triển? Khi ta mở mang đầu óc ta sẽ nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác, ta không chỉ nhận ra những sai lầm đã mắc phải mà còn cho phép mình phạm phải những sai lầm mới.

• Ta có ý thức rõ về bản thân: Ta không bị giới hạn bởi niềm tin của chính mình và cũng không bị giới hạn bởi niềm tin của người khác. Do vậy ta có thể có được sự tự tin khi ta tìm hiểu về thế giới xung quanh mình ngày càng nhiều.

• Ta phát triển bản thân: Tư duy cởi mở tạo cho ta một nền tảng để có thể xây dựng, phát triển một ý tưởng từ một ý tưởng khác, tìm kiếm những điều mới mẻ từ những ý tưởng cũ…Tất cả mọi thứ ta trải nghiệm dẫn đến ta là ai và ta tin vào điều gì. Thật khó để phát triển dựa trên kinh nghiệm mà không có đầu óc cởi mở.

Tôi xin lấy 2 ví dụ:

1. Về anh “trợ lý đẹp trai” Rob England của tôi. Rob từng làm việc cho Computer Associates International nhiều năm, là một trong những người có đóng góp xây dựng ITIL® cũng như Service Strategy trong ngành IT từ những ngày đầu. Nếu ai làm trong ngành này sẽ biết rằng ITIL đời đầu khá old school. Hơn 10 năm trước khi DevOps mới hình thành (Dev+Ops: Có thể tạm hiểu là tư duy mới về chuyển đổi cách làm việc trong ngành IT), Rob là người phản biện rất mạnh mẽ tư duy này, ảnh tranh luận trực tiếp với các leader của DevOps qua các diễn đàn và qua blog gây tranh cãi the IT Skeptic-Người phản biện IT của ảnh.

Để hiểu được tư duy này ảnh đã tham gia (100%) các hội nghị DevOps Enterprise Summit (DOES) trong nhiều năm và ảnh bị thuyết phục hoàn toàn (chúng tôi sau đó trở thành những diễn giả quen thuộc của DOES) và trở thành một nhà lãnh đạo tư tưởng được quốc tế công nhận trong DevOps và Quản lý Dịch vụ CNTT (ITSM). Ảnh cũng là tác giả chính của VeriSM™ và là người đóng góp quan trọng cho The DevOps Handbook (Cẩm nang DevOps).

Sau này có nhiều người vẫn lấy những bài viết cũ của ảnh ra để chọc, ảnh bẩu: “Người mạnh mẽ là người có tư duy cởi mở không bao giờ ngừng học hỏi và thích nghi. Thế giới sẽ luôn thay đổi. Nếu bạn giới hạn bản thân về những gì bạn biết và sống trong đó bạn sẽ chẳng bao giờ lớn lên”.

Một ví dụ nữa là về tôi, tôi vốn vẫn nghĩ ngôn ngữ của mình không tệ, tôi cho rằng tôi có thể dịch cuốn sách của chúng tôi ra tiếng Việt mà không cần nhờ dịch giả chuyên nghiệp. Sau khi nhờ một anh giỏi cả 2 thứ tiếng đọc, ảnh bẩu bản dịch tệ quá không đọc nổi. Nếu không có tư duy cởi mở chắc tôi sẽ shock lắm nhưng tôi thấy đó là việc bình thường.

Nhờ có nhận xét đó mà tôi biết tôi cần phải nhờ người có chuyên môn giúp mình. Để mang đến cho độc giả một cuốn sách chất lượng tốt nhất có thể.

Đối với một số người, cởi mở dễ dàng như hơi thở. Đối với những người khác, có thể đó là một thách thức lớn, họ phải nỗ lực để có được. Cho dù bạn nghĩ mình là người cởi mở hay không, chắc chắn bạn có thể thấy những kinh nghiệm sống với một tư duy cởi mở giúp cho cuộc sống của chúng tôi thú vị như thế nào. Hãy tin tôi đi, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng và hầu hết mọi người phải nỗ lực lắm để có được nó. Hãy vượt qua chính mình để nắm bắt những ý tưởng mới và bạn sẽ thấy những lợi ích đến từ việc mở mang đầu óc như thế nào.

Feel free to share, làm ơn trích dẫn nguồn.

#Rob_England #Cherry_Vu #Agile_Enterprise #Quan_ly_linh_hoat, #Doanh_nghiep_linh_hoat #Agile_managers, #các_nhà_quản_lý_linh_hoạt #agile_management, #Teal_Unicorn