BẠN SẼ KHÔNG HỌC ĐƯỢC GÌ NẾU KHÔNG THOÁT RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những tình huống cần phải điều chỉnh hành vi của mình. Việc điều chỉnh bản thân, học những điều mới mẻ là một thực tế không thể tránh khỏi. Nếu không có kỹ năng và lòng dũng cảm để thực hiện một bước nhảy vọt, chúng ta có thể bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để phát triển bản thân.
Làm thế nào để chúng ta, với tư cách là những người làm việc chuyên nghiệp có thể đối mặt với những việc khó chịu này?

  • Bạn muốn tham gia thuyết trình trong hội nghị chuyên ngành nhưng bạn run rẩy khi phải nói trước đám đông?
  • Bạn muốn mở rộng network của mình nhưng bạn cắn móng tay khi đứng trước người lạ?
  • Bạn muốn phát biểu trong cuộc họp nhưng bạn sợ nói sai?
  • Bạn muốn mở rộng khả năng chuyên môn để có thêm cơ hội phát triển nhưng không muốn lại trở thành người học việc trong lĩnh vực mới?
Những tình huống này không dễ nên phản ứng thường thấy của mọi người là tránh. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp hay, dù khó chịu vô cùng nhưng chúng ta buộc phải đối diện và vượt qua.
Đây là một số lời khuyên dành cho những ai đang chưa có đủ dũng khí:
– Đầu tiên, hãy trung thực với chính mình:
  • Vì sao bạn từ chối tham gia phát biểu tại hội nghị hay cuộc họp? Bạn sợ hay bạn bận?
  • Vì sao bạn né tránh những xung đột với đồng nghiệp? Vì bạn nghĩ mọi chuyện rồi sẽ qua hay bạn sợ xung đột?
Nếu lý do là để tránh những tình huống nằm ngoài vùng an toàn của mình thì bạn nên tự hỏi bản thân xem chúng có thực sự chính đáng hay không. Bạn sẽ không bao giờ vượt qua được việc không hành động nếu không thành thật về động cơ của mình ngay từ đầu.
Sau đó, hãy bắt đầu nhỏ. Ví dụ, nếu bạn sợ nói trước đám đông, hãy chia sẻ với một nhóm những người bạn quen thuộc về chủ đề mà bạn có kiến thức. Tham gia khoá thuyết trình trước đám đông (Toast Master). Tập kết nối trong một nhóm nhỏ và mở rộng dần mạng lưới của mình.
Hãy hành động. Để bước ra ngoài vùng an toàn của mình, bạn phải làm điều đó, bạn sẽ sớm nhận ra những gì bạn lo sợ ban đầu không khó như bạn nghĩ.
Bạn có thể vấp ngã, nhưng không sao cả. Đó là cách duy nhất bạn sẽ học, đó là điều không thể tránh khỏi, là một phần của quá trình học tập. Rồi bạn sẽ sớm trở nên tiến bộ sau mỗi lần fail.
Đây là một ví dụ về hành trình vượt qua chính mình của tôi.
Tôi đã từng rất sợ phải nói tiếng Anh trước đám đông vì tiếng Anh không phải là thế mạnh của tôi cho đến khi tôi sang Đức học Master of Public Management. Đó là một chương trình được thiết kế đặc biệt, sinh viên không được các giáo sư giảng mà phải tự giảng cho nhau, các giáo sư chỉ là người đánh giá chất lượng bài giảng của sinh viên.
Thế là tôi buộc phải học cách “giảng bài” cho các bạn học trong tất cả các môn học. Những lần đầu tiên của tôi thực sự là đọc slides chứ không phải là thuyết trình nhưng dần dần tôi đã tự tin và làm khá ổn. Sau này, do yêu cầu của công việc tôi thường phải thuyết trình ở những hội nghị quốc tế lớn, mặc dù vẫn hơi run trước khi bắt đầu nhưng tôi không hề sợ như trước.
Ngẫm lại tôi thấy hình như không phải việc học một kỹ năng quá khó, điều khó nhất vượt qua được nỗi sợ của chính mình.
Vì vậy, hãy thử đi. Hãy trung thực với bản thân, bắt đầu hành động và nỗ lực. Bạn sẽ hài lòng khi cho mình cơ hội phát triển, học hỏi và mở rộng khả năng chuyên môn của mình.
Chúc các bạn thành công!